Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Jostein Gaarder: Bỉ ẩn của những con bài (Das Kartengeheimnis)

"1439", ông mở đầu.
"Cái chết đen", tôi trả lời. Tôi có chút kiến thức về lịch sử, nhưng tôi không hiểu, cái trận dịch hạch này thì có liên quan gì đến tính "ngẫu nhiên".
"Okay", ông nói và tiếp luôn "Con đã biết rằng, một nửa dân số Nauy đã chết vì trận dịch hạch này. Nhưng còn một điều nữa mà ba chưa bao giờ kể cho con".
Với câu mở màn này, tôi biết sẽ là một bài diễn thuyết dài.
"Con có biết là vào thời điểm đó con đã có đến hàng ngàn tổ tiên họ hàng không?" Ông hỏi.
Tôi lắc đầu đầy nghi ngại. Làm sao mà lại như thế được?
"Chúng ta có hai bố mẹ, bốn ông bà, tám cụ cố, mười sáu cụ kỵ - và cứ tiếp tục như vậy. Nếu con tính ngược trở lại đến năm 1349, thì con số đó là kha khá."
Tôi gật đầu.
"Và thì trận dịch hạch diễn ra. Thần chết lang thang từ làng này sang làng khác và trẻ em bị dính nhiều hơn cả. Trong một số gia đình thì chết tất, một số khác thì một đến hai sống sót. Con đã có vào thời điểm đó vài trăm cụ kỵ tổ tiên, lúc đó còn là trẻ em, Hans-Thomas, và không ai trong số đó bị chết."
"Làm sao mà ba biết chắc được điều đó?" Tôi cao giọng hỏi.
Sau một hơi thuốc dài, ông trả lời: "Bởi vì con đang ngồi đây và ngắm biển Adria."
Ông lại bất ngờ ghi một điểm, làm tôi không biết phải làm sao tiếp. Nhưng tôi biết là ông đúng, bởi vì nếu chỉ một cụ ông hay một cụ bà trong số các cụ tổ tiên đó đã chết khi còn nhỏ tuổi, thì họ đã không thể trở thành tổ tiên của tôi.
"Xác suất để cho không ai trong số các cụ tổ của con chết trẻ là một phần nhiều tỉ", ông tiếp tục và lúc này thì ông tuôn như thác: "Bởi vì, con có hiểu không, không phải chỉ có dịch hạch. Tất cả, tất cả các cụ tổ này còn lớn lên và sinh con đẻ cái, vào những lúc đại họa thiên nhiên khủng khiếp nhất và lại hàng đàn hàng lớp trẻ con bỏ mạng. Nhiều trong số họ tất nhiên là đã bị bệnh này nọ, nhưng tất cả đã sống sót - từ góc độ này, con đã hàng trăm tỉ lần chỉ cách thần chết trong gang tấc, Hans-Thomas ạ. Cuộc sống trên hành tinh này của con luôn bị đe dọa bởi côn trùng, và các loài thú dại, nham thạch và sấm sét, bệnh tật và chiến tranh, lũ lụt và hỏa hoạn, ngộ độc và các âm mưu giết hại. Chỉ trong cuộc chiến ba mươi năm tương tàn (1) con đã hàng trăm lần bị thương. Bởi vì chắc chắn con có các cụ tổ ở cả hai phía - đúng thế, về bản chất con đã tiến hành cuộc chiến, tự chống lại mình và khả năng được sinh ra vào ba trăm năm sau. Và lại một lần nữa như thế vào thời gian thế chiến thứ hai: Nếu một người Nauy tốt bụng đã bắn chết ông nội của con trong thời gian Đức chiếm đóng - thì  cả ba lẫn con.cũng đã chẳng ra đời. Vấn đề nằm ở chỗ là với thời gian những điều đó đã diễn ra nhiều tỉ lần. Cứ mỗi khi một mũi tên vút ra trong không trung là lại một lần khả năng con được sinh ra giảm đi một li tấc. Thế mà lúc này, con ngồi đây và nói chuyện với ba, Hans-Thomas à, con có hiểu được không?"
"Con nghĩ là có", tôi nói. Dù sao chăng nữa tôi cũng cho là tôi hiểu tầm quan trọng của việc bà nội bị thủng lốp ở Froland. (2)
"Ba nói về một chuỗi dài các ngẫu nhiên", ba tôi lại tiếp tục. "Và cái chuỗi này nối dài mãi đến tận tế bào sống đầu tiên, cái tế bào sau đó đã phân chia và từ đó là sự bắt đầu cho tất cả mọi giông loài ngày nay đang sinh sôi nảy nở trên hành tinh này. Xác suất để cái chuỗi của ba trong suốt chiều dài ba đến bốn tỉ năm này không bị đứt gãy là rất nhỏ, nhỏ đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nhưng mà ba đã vượt qua. Ừ, thế đấy, khỉ thật, ba đây. Và ba biết, ba đã có một may mắn kỳ diệu đến cổ quái để được trải qua cuộc sống này với con. Ba biết, mỗi một con sâu bọ nhỏ xíu trên hành tinh này đều may mắn làm sao."
"Thế còn những kẻ không may mắn?" tôi hỏi.
"Không tồn tại thứ đó!" Ông gầm lên."Chúng không bao giờ được sinh ra. Cuộc sống là vòng xổ số duy nhất mà chỉ những kẻ thắng cuộc hiện diện."

(1) Chiến tranh tôn giáo ở châu Âu khoảng từ 1618 đến 1648 - người dịch chú thích
(2) Ông nội của Hans-Thomas, một hạ sĩ quan Đức đã làm quen với bà nội của cậu bé, một cô gái Nauy khi đó vừa tròn 18, khi giúp bà sửa chiếc xe đạp bị thủng lốp trên đường về. Sau đó, bất chấp phẫn nộ từ dân làng, họ yêu nhau. Nhưng rồi ông nội bị điều chỗ khác mà không biết người yêu đã có mang và bà không bao giờ nhận được tin tức gì từ ông nữa.


2 nhận xét:

  1. Hình như Jostein Gaarder: Bỉ ẩn của những con bài (Das Kartengeheimnis) có một quyển sách nói về nó đúng không ?

    Em đang tìm lại mà quên mất !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi, lâu quá mình không vào blog nên bỏ sót câu hỏi của bạn: Đoạn này mình dịch từ chuyện đó của Gaarder. Bạn cũng là fan của nhà văn này à?

      Xóa