Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Mẹ tôi (1)

Tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ viết. Thế rồi một vài gặp gỡ tình cờ với vài cây blogers đáng kính đáng yêu đã dinh tôi đến cái nhà mới này. Gọi là nhà mới cho nó oai, có mấy cái cọc.
Dầu vậy, đóng cái cọc rồi tôi muốn có cái gì đó để khai bút, mà rồi ậm ọe hai ba ngày chẳng ra được cái gì.
Rồi tự nhiên lúc này, thực ra là tôi muốn đóng máy để đi ngủ thì bụng lại bảo dạ phải gõ ngay thôi, ngay lúc này...
Và tôi muốn viết về mẹ tôi: lại một điều tôi hoàn toàn không ngờ đến. Lý do của cái ý định bất chợt này: Tự nhiên chiều nay ngắm con yêu con, nhớ mẹ quá, muốn về bên mẹ và rúc vào lòng ngủ như như những ngày xưa xưa lắm rồi.
Bắt đầu viết tức là tôi bắt đầu trở về với tôi. Và tôi bắt đầu từ đâu nếu không là từ mẹ?!
Mẹ tôi sinh năm Nhâm Ngọ. Cái chữ Nhâm mẹ cứ vận vào với nhiều nỗi long đong, long đong từ lòng mình mà ra...
Hình ảnh mẹ trong tôi những ngày thơ ấu là gương mặt tròn, đôi mắt nâu đen, một bím tóc dài mỗi tối đi ngủ tôi vẫn miết những ngón tay nhỏ bé lên đó để cảm nhận cái cảm giác trơn mát nà nuột và một thân hình mềm mại khá là thắt đáy lưng ong.
Mẹ là người kín đáo, sống nhiều nội tâm, không thích giao du. Với mọi người xung quanh dù là anh chị em ruột hay bạn bè đồng nghiệp mẹ luôn nhường nhịn, thường tự giành phần thiệt thòi về mình, như một hiến sinh tự nguyện pha chút kiêu hãnh.
Nhưng mẹ lại đặc biệt mẫn cảm với những điều trái tai gai mắt và sẵn sàng quyết liệt đến cùng cho lẽ phải.
Có một lần, lúc đó mẹ đã thôi làm việc công sở và tôi bắt đầu ra giàng, bắt đầu một công việc ổn định với thu nhập khá cao. Tất nhiên, lúc đó tôi hãnh diện lắm, cho dù không nói ra, cảm thấy mình lớn lao và trưởng thành. Hai mẹ con tôi lên xe buyt về Hải phòng để thăm ông bác ruột bên Ba tôi. Đường xá ở thành phố này mẹ và tôi đều không thạo. Lên xe mẹ đã cẩn thận hỏi trước xe có về đó về đó, mấy anh lơ xe thời mới mở cửa ai hay đi đường HN-HP hồi đó đều có thể mường tượng ra: hốt khách trên đường ào ào như hốt cái quang, cái sọt.
Thế rồi cuối cùng cái xe về bến đỗ ở một điểm nào đó ở tận ngoại thành, hỏi ra còn cách nhà ông bác cả vòng thành phố. Mẹ tôi rất công phẫn, đòi hai người lái và lơ xe phải bồi thường lại tiền để đi xích lô. Tôi, phần vì ngại lời qua tiếng lại, phần nghĩ cũng chẳng đáng là bao, cứ níu cản mẹ cho qua cho xong việc. Nhưng mẹ hàng ngày vẫn nhún nhường là thế, giờ đôi mắt tròn như nảy lửa một hai dứt khoát: không thể để cho họ đương nhiên dở trò bắt nạt người lạ như thế được. Thế mà rồi hai gã lái sau một hồi định dùng thuật "trơ" cũng phãi chữa ngượng "Trả cho bà cho xong".
Tất nhiên là mẹ hả dạ "Con thấy chưa, mẹ có làm ầm ĩ gì đâu, nói phải củ cải cũng nghe mà!" Tôi thì quả thật nhẹ cả người, bụng bảo dạ "May chưa gặp phải đầu gấu, không khéo chỉ vài nghìn bạc lại thành tai ương".
Hàng xóm có chuyện to tiếng, mẹ chạy ra sân nghe ngóng, nghe tiếng loảng xoảng mẹ chạy vội sang, tôi cản: chuyện nhà người ta mẹ lo làm gì. Mẹ bảo: "Không thể sống cái kiểu cháy nhà hàng xóm bình chân như vại thế được, có mẹ sang bao giờ chú ấy cũng nương tay hơn!". Mà thế thật, mỗi lần mẹ sang mẹ về thì mọi chuyện cũng dần lắng lại.