Nhà cũ

Nhà cũ Multiply

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Hà nội nóng lắm!

1. Mấy hôm rồi các bloggers HN, SG xôn xao than thở: nóng lắm, nóng lắm, lại còn mất điện, nóng không thở được... Ở Đức học sinh bắt đầu được nghỉ hè, bố mẹ con cái dắt díu nhau về VN, người đi người ở, ai cũng câu cửa miệng: giờ này về nhà nóng lắm, nóng lắm...
2. Năm nay mùa hè ở Đức cho đến lúc này khá dịu mát, có vài ngày nắng sáng chói nhưng gió vẫn mát lạnh, như hôm nay chẳng hạn. Thế mà ngồi sau vô lăng qua những con đường chói nắng nhiều lúc cũng xa xẩm mặt mày như thường. Mình khoái chọn những đoạn đường qua rừng để đi, mát và đẹp. Nghĩ đến Hà nội: mọi người sáng ra đi làm, chiều tan sở hối hả về nhà, làm sao lựa chọn đường rừng để tránh nắng???
3. Rồi cứ thế lan man trong ý nghĩ: Hà nội xanh, Hà nội xanh tự bao giờ? Ngày nhà mình mới chuyển về KL, ở đó còn là khu làng mạc. Xanh um: vườn xanh um, những bụi tre rậm rạp xanh um, những hàng rào cúc tần, găng, duối xanh um bao quanh mỗi mái nhà, rồi cơ man nào là ao to hồ nhỏ... Rồi thì ao, hồ dần dần biến thành đất bằng để cho nhà mọc thêm, rồi mọc nữa, rồi mọc nữa. Giá đất lên cao, mỗi mảnh đất một gia đình ngày xưa được dịp chia năm xẻ bẩy, ngõ nhỏ được thêm nhánh thêm khúc. Hàng rào cây được gạch hóa, bê tông hóa, cửa sắt. Bây giờ cả khu chắc chẳng đào đâu ra một hàng cúc tần, chẳng nói gì đến tre... Thành thị hóa nông thôn ở Hà nội là thế...
Cái thời mình còn được ngắm hàng rào găng hoa tím với từng chùm quả xinh như những hạt cườm màu da cam tươi rói thì mình và các bạn mình còn đạp xe khắp Hà nội: Trên là trời dưới là xe đạp. Cái thời xa xưa ấy, mất điện cũng là chuyện thường, nhưng lúc ấy ra sân còn ngắm được trăng thanh, còn hưởng được gió mát. Có nóng mấy thì sau vài lần phe phẩy quạt của bà của mẹ vẫn ngủ ngon đến sáng như thường...
4. Tưởng tượng giờ này HN mất điện: Ôi thôi! Sức nóng của hàng triêu ống khói xe máy thải ngày thải đêm, bao nhiêu nghìn car lớn car nhỏ nữa, nó chạy đi đâu, khi mà khắp nơi là đừờng, là tường là nền bê tông. Giả dụ mấy gia đình khá giả có tậu được miếng đất to to đi nữa, làm cái vi la, khuôn viên thiết kế cầu kỳ, cây xanh cá cảnh, rồi thì viện đến phong thủy dựng cửa chọn hướng... nhưng mà lọt thỏm vào cả cái thành phố nồi da nấu thịt hơn 5 triệu con người ấy thì rồi phong thủy thế nào cho được ngọn gió lành?
5. Rồi thì lẩm cẩm hỏi: Do đâu mà đến nỗi này nhỉ??? Tại ai nhỉ??? Tại vì đổi mới bung ra??? Tại vì chính quyền kém quản lý, không quy hoạch??? Tại vì dân chúng thích làm bừa làm bậy??? Toàn tại người khác cả, chẳng dính gì đến mình!
6. Tình cờ hôm qua hai lần đọc được câu của Erich Kästner, đại loại: Chẳng có quái gì là tốt đẹp cả, trừ khi anh làm điều đó!

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Indigo Kinder

1. Mẹ đang đọc cuốn "Die Indigo-Kinder": Nửa tin nửa ngờ.

2. Trước khi đi ngủ được tắm táp mát mẻ, Tôm nổi hứng "sáng tác" rồi tự thể hiện say sưa (in German): Tôi bay vào không gian. Hành tinh nhỏ của tôi thấm khô người tôi (hát câu này lúc mẹ đang dùng khăn bông lau cho Tôm!!!). Đây là thế giới của tôi. Tôi đang ở đây. Tôi đang ở đó (Ich fahre in Weltraum. Mein Erdeling troknet mich. Das ist meine Welt. Ich bin hier. Ich bin da).

Rồi thì tiếp: Trong thế giới của tôi. Một mình tôi. Tôi sắp đặt tất cả. Không ai quấy rầy tôi (In meiner Welt. Ich bin allein. Ich bestimme alles. Niemand stört mich).

3. Một minh chứng hùng hồn cho lý thuyết Indigo chăng??? Mẹ hơi choáng nha!

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Mẹ tôi (1)

Tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ viết. Thế rồi một vài gặp gỡ tình cờ với vài cây blogers đáng kính đáng yêu đã dinh tôi đến cái nhà mới này. Gọi là nhà mới cho nó oai, có mấy cái cọc.
Dầu vậy, đóng cái cọc rồi tôi muốn có cái gì đó để khai bút, mà rồi ậm ọe hai ba ngày chẳng ra được cái gì.
Rồi tự nhiên lúc này, thực ra là tôi muốn đóng máy để đi ngủ thì bụng lại bảo dạ phải gõ ngay thôi, ngay lúc này...
Và tôi muốn viết về mẹ tôi: lại một điều tôi hoàn toàn không ngờ đến. Lý do của cái ý định bất chợt này: Tự nhiên chiều nay ngắm con yêu con, nhớ mẹ quá, muốn về bên mẹ và rúc vào lòng ngủ như như những ngày xưa xưa lắm rồi.
Bắt đầu viết tức là tôi bắt đầu trở về với tôi. Và tôi bắt đầu từ đâu nếu không là từ mẹ?!
Mẹ tôi sinh năm Nhâm Ngọ. Cái chữ Nhâm mẹ cứ vận vào với nhiều nỗi long đong, long đong từ lòng mình mà ra...
Hình ảnh mẹ trong tôi những ngày thơ ấu là gương mặt tròn, đôi mắt nâu đen, một bím tóc dài mỗi tối đi ngủ tôi vẫn miết những ngón tay nhỏ bé lên đó để cảm nhận cái cảm giác trơn mát nà nuột và một thân hình mềm mại khá là thắt đáy lưng ong.
Mẹ là người kín đáo, sống nhiều nội tâm, không thích giao du. Với mọi người xung quanh dù là anh chị em ruột hay bạn bè đồng nghiệp mẹ luôn nhường nhịn, thường tự giành phần thiệt thòi về mình, như một hiến sinh tự nguyện pha chút kiêu hãnh.
Nhưng mẹ lại đặc biệt mẫn cảm với những điều trái tai gai mắt và sẵn sàng quyết liệt đến cùng cho lẽ phải.
Có một lần, lúc đó mẹ đã thôi làm việc công sở và tôi bắt đầu ra giàng, bắt đầu một công việc ổn định với thu nhập khá cao. Tất nhiên, lúc đó tôi hãnh diện lắm, cho dù không nói ra, cảm thấy mình lớn lao và trưởng thành. Hai mẹ con tôi lên xe buyt về Hải phòng để thăm ông bác ruột bên Ba tôi. Đường xá ở thành phố này mẹ và tôi đều không thạo. Lên xe mẹ đã cẩn thận hỏi trước xe có về đó về đó, mấy anh lơ xe thời mới mở cửa ai hay đi đường HN-HP hồi đó đều có thể mường tượng ra: hốt khách trên đường ào ào như hốt cái quang, cái sọt.
Thế rồi cuối cùng cái xe về bến đỗ ở một điểm nào đó ở tận ngoại thành, hỏi ra còn cách nhà ông bác cả vòng thành phố. Mẹ tôi rất công phẫn, đòi hai người lái và lơ xe phải bồi thường lại tiền để đi xích lô. Tôi, phần vì ngại lời qua tiếng lại, phần nghĩ cũng chẳng đáng là bao, cứ níu cản mẹ cho qua cho xong việc. Nhưng mẹ hàng ngày vẫn nhún nhường là thế, giờ đôi mắt tròn như nảy lửa một hai dứt khoát: không thể để cho họ đương nhiên dở trò bắt nạt người lạ như thế được. Thế mà rồi hai gã lái sau một hồi định dùng thuật "trơ" cũng phãi chữa ngượng "Trả cho bà cho xong".
Tất nhiên là mẹ hả dạ "Con thấy chưa, mẹ có làm ầm ĩ gì đâu, nói phải củ cải cũng nghe mà!" Tôi thì quả thật nhẹ cả người, bụng bảo dạ "May chưa gặp phải đầu gấu, không khéo chỉ vài nghìn bạc lại thành tai ương".
Hàng xóm có chuyện to tiếng, mẹ chạy ra sân nghe ngóng, nghe tiếng loảng xoảng mẹ chạy vội sang, tôi cản: chuyện nhà người ta mẹ lo làm gì. Mẹ bảo: "Không thể sống cái kiểu cháy nhà hàng xóm bình chân như vại thế được, có mẹ sang bao giờ chú ấy cũng nương tay hơn!". Mà thế thật, mỗi lần mẹ sang mẹ về thì mọi chuyện cũng dần lắng lại.